Trang Sức Cưới Làm Của Hồi Môn Cho Cô Dâu
Tùy phong tục từng vùng miền, gia đình hai bên có thể tặng
nữ trang cưới cho cô dâu trong ngày ăn hỏi hoặc khi rước dâu.
Trong đám cưới truyền thống Việt Nam, ngoài đôi nhẫn cưới để đôi uyên ương đeo trọn đời và trang sức làm đẹp cho cô dâu, gia đình hai bên phải chuẩn bị mỗi nhà một bộ trang sức để tặng cô dâu chú rể như món quà cưới để đôi tân lang, tân nương chuẩn bị cho cuộc sống mới. Với từng gia đình, việc sắm sửa bộ trang sức là điều quan trọng, cần cân nhắc sao cho tiết kiệm, hợp lý mà vẫn trang trọng. Tùy phong tục từng vùng miền, gia đình hai bên có thể tặng nữ trang cưới cho cô dâu trong ngày ăn hỏi hoặc khi rước dâu.
Các gia đình truyền thống thường tặng cả bộ trang sức vàng 24K cho cô dâu trong ngày vu quy
1. Bộ trang sức trong ngày ăn hỏi
Với những gia đình có kinh tế dư dả, ngoài những mâm tráp truyền thống mà nhà gái yêu cầu, mẹ chú rể sẽ chuẩn bị thêm một món nữ trang để tặng cô dâu với ý nghĩa tặng sự giàu sang, sung túc cho đôi uyên ương. Phong tục này được nhiều gia đình miền Bắc ưa chuộng và đặc biệt phổ biến ở miền Nam.
Quà tặng trang sức trong đám hỏi thường đơn giản, đa số là một chiếc vòng tay nhỏ, một đôi bông tai hoặc một chiếc nhẫn đính hôn, tất cả đều là vàng 24K. Trong đám hỏi, khi cô dâu, chú rể xuống ra mắt gia đình hai họ, mẹ chú rể sẽ tặng nữ trang và tự tay đeo cho cô dâu.
2. Bộ trang sức trong ngày đón dâu
Nếu nhiều gia đình bỏ qua thủ tục tặng nữ trang trong ngày ăn hỏi thì việc tặng trang sức trong ngày đón dâu là thủ tục gần như bắt buộc. Lúc này, không chỉ gia đình nhà trai tặng quà cưới cho cô dâu mới, mà nhà gái cũng chuẩn bị sẵn một bộ nữ trang để làm của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Bộ trang sức tặng cô dâu trong ngày vu quy thường cầu kỳ hơn, bao gồm một chiếc kiềng, vòng cổ, một chiếc vòng tay, khuyên tai và cặp nhẫn cưới, tất cả đều là vàng 24K.
Sau khi được tặng trang sức, cô dâu sẽ đeo những món đồ nữ trang ngay trong ngày rước dâu và đãi tiệc nhằm thể hiện sự sang trọng của mình và gia đình. Khi đám cưới kết thúc, những quà tặng này được coi như của cải làm vốn của đôi uyên ương, tuy nhiên các cặp vợ chồng đa số không bán nữ trang cưới được tặng vì sợ gặp điều không may.
Mẹ chồng sẽ tự tay đeo nữ trang cho cô dâu trong ngày cưới với hi vọng cuộc sống của hai con sẽ luôn ấm no và hạnh phúc.
3. Những “biến tấu” trong cách tặng trang sức ngày cưới
Theo phong tục truyền thống nữ trang tặng trong ngày cưới đều là vàng 24K, khó sử dụng trong cuộc sống thường ngày mà chỉ mang tính lưu niệm, nên thay vì tặng vàng, nhiều gia đình chuyển sang tặng tiền mặt để đôi uyên ương có thể sử dụng chính quà tặng đó chi trả cho đám cưới. Hình thức tặng quà hiện đại có thể là một quyển sổ tiết kiệm hay một chiếc phong bao lì xì đỏ may mắn với số tiền tượng trưng.
Ngoài ra, những gia đình vẫn muốn tặng bộ nữ trang có thể chọn phương án đi thuê trang sức. Tuy nhiên, cô dâu chú rể nên nói rõ với cha mẹ về ý tưởng thuê trang sức để tránh những phát sinh không đáng có khi cô dâu về nhà chồng. Món quà tặng ngày cưới thể hiện sự yêu thương cũng như chúc phúc của gia đình dành cho đôi uyên ương nhưng giá trị quà cũng nên phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, để sau ngày cưới, cô dâu chú rể không phải “đau đầu” vì lo chi trả cho những bộ trang sức đắt tiền.
- - - - - - - - -
Xem thêm:
- - - - - - - - -
www.cuoihoivietnam.com
- Hình ảnh: internet
- Nguồn: sưu tầm
- - - - - - - - -