Đã ba năm liền mình chưa được về quê mẹ ăn Tết. Ban đầu nhà chồng hứa rất ngọt là năm nay nhà này thì năm tới nhà kia. Và đến bây giờ thì lại trở mặt.
Còn một tháng nữa là Tết, chắc những ai làm dâu xa đều có kế hoạch trở về nhà. Đúng ra mình cũng được hạnh phúc như thế nếu như nhà chồng không tráo trở. Nói đến chữ nếu như lại càng thêm chạnh lòng chỉ muốn khóc.
Đã ba năm liền mình chưa được về quê mẹ ăn Tết. Ban đầu nhà chồng hứa rất ngọt là năm nay nhà này thì năm tới nhà kia. Năm đầu về làm dâu mình ăn Tết nhà chồng. Sang năm họ lại viện cớ đột xuất và hứa hẹn đến năm nay. Và đến bây giờ thì lại trở mặt.
Đã ba năm, con mình hai tuổi mà ông bà ngoại vẫn chưa được trông thấy mặt cháu. Bố mẹ mình lớn tuổi lại làm nông, cả đời họ hầu như chưa rời quê lần nào dù chỉ vài ngày. Nếu về chỉ có thể là mình về, vậy mà sao vẫn khó khăn quá.
Mà đâu chỉ là trở mặt, còn phải nói là lừa tiền. Từ đầu năm mình đã lên kế hoạch tiết kiệm để Tết này về biếu bố mẹ chút quà. Thứ nhất là do từ sau khi cưới mình chưa về nhà lần nào. Thứ hai làm thế cho bố mẹ yên tâm là cuộc sống của mình đang rất sung túc.
Nhà chồng mình không khá giả, mình lại vừa mới sinh con, phải nói là gần như giật gấu vá vai để có những đồng tiền tiết kiệm. Vậy mà hình như cả nhà chồng có toan tính trước. Biết mình có khoản tiền tiết kiệm đang có ý gửi về biếu bố mẹ đẻ Tết này nên bây giờ mẹ chồng quay sang mượn để lo đám hỏi em chồng.
Mình không khỏi ngỡ ngàng khi nghe em chồng cuối năm nay ăn hỏi. Mặc dù trước đó khi nhà bên kia sang đặt vấn đề, ai cũng nói lại với mình là chưa đồng ý, ít nhất ra năm. Thế mà giờ lại nói cuối năm với lý do đổi ý đột xuất. Mình có cảm giác cả nhà chồng đang về phe lừa dối mình. Nếu thế thì mình càng buồn và thất vọng về chồng.
Mà số tiền đâu phải to tát, kể cả một phần tiền thưởng cuối năm chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng chẵn, chỉ đáng vài xu lẻ của nhà giàu. Nhưng với bố mẹ mình ở quê thì đó là một món quà rất giá trị, đủ để họ yên tâm phòng thân lúc trái gió trở trời. Và có lẽ với nhà chồng đó cũng là một món tiền lớn, nếu không họ lại nhẫn tâm giật từ tay mình?
Mẹ chồng ngon ngọt nói “mượn” nhưng mình quá rõ tính bà, cái gì đã cho đi sẽ không bao giờ trở lại. Mình không dám nói không cho mà chỉ quanh co vòng vo là món tiền này để mang về biếu bố mẹ đẻ. Bà lập tức nổi giận giống như mình đang biển thủ tiền nhà chồng vậy.
Bà mắng mình lấy chồng mà không biết lo gia đình nhà chồng lại còn chửi một câu rất nặng “nhà có đủ bố mẹ chứ có phải dột từ nóc đâu mà lại cư xử kém đến vậy?”.
Cả một năm trời mình vừa nuôi con vừa phục vụ nhà chồng vừa tranh thủ làm thêm rất vất vả để có chút tiền biếu Tết cho bố mẹ, đó gọi là cư xử kém sao? Thế cứ phải "dâng hết" cho nhà chồng mới là đúng?
Mình thua, mất cả 10 triệu đồng của một năm cực nhọc dành dụm lại còn rước thêm một nỗi khổ tâm vào lòng. Từ đầu năm đã hứa với bố mẹ sẽ mang cháu về, từ tháng trước họ đã liên tục gọi điện thoại nhắc nhở, vậy mà giờ nói không về nữa, bố mẹ ở nhà có đau lòng không?
Chồng mình hóa ra còn tệ hơn mình nghĩ. Anh rất biết cách an ủi vợ. Anh nói “Thôi, buồn làm gì, sang năm nữa rồi về, với cả bố mẹ vẫn đang còn khỏe, về làm gì”. Theo ý anh, chắc phải đợi lúc nào bố mẹ chết rồi về làm đám luôn thể. Mình không có phận lấy chồng tốt, bố mẹ mình cũng không có phước nhờ rể hiền.
Giờ mình đã hiểu nhà chồng ghê gớm, không chỉ lấy số tiền mồ hôi nước mắt của mình mà còn giúp họ đỡ tốn kém. Mình về quê, con lại đang còn nhỏ, lẽ nào chồng không đi theo. Mà đi như thế sẽ rất tốn tiền và lẽ nào thông gia bên chồng không gởi kèm quà biếu. Hễ để mình ra khỏi nhà là họ mất tiền, thế nên họ chấp nhận tráo trở.
Mình còn chưa biết nói thế nào với bố mẹ ở nhà thì họ đã gọi điện lên dặn dò “nhà chồng thoải mái cho phép thì mới được về, không thì thôi con ạ. Nhưng gửi cho bố mẹ mấy cái ảnh của hai mẹ con cho đỡ nhớ”. Mình nghe rồi chỉ biết khóc và cố cắn răng thật chặt để bên kia không nghe thấy.
Bố mẹ mình sao tấm lòng thật thà rộng lượng, còn bố mẹ người ta muôn đời vẫn mãi là người ngoài. Tết này mình phải sống sao với nỗi nhớ và nỗi khổ tâm lớn như thế này đây?
- - - - -- - - -
Xem thêm:
bài liên quan
Nếu như trước đây, anh chị “gặp nhau” 4 lần mỗi tuần thì hiện là con số 0 tròn trĩnh.
Khi tiệc vừa tàn, nhà gái ra về, tôi còn chưa kịp thay áo cưới thì cả nhà chồng kéo lên phòng tân hôn đòi mang thùng tiền mừng về kiểm.
Mẹ chồng sẽ cắt đất cho chúng tôi nhưng chỉ chồng tôi đứng tên sổ đỏ, tôi không có tên và vợ chồng tôi phải viết giấy ghi rõ đã vay của mẹ chồng năm trăm triệu đồng dù không lấy tiền.
Dù chỉ là những việc bình thường như rửa chén, nhặt rau, lau dọn bàn ghế…, bạn cũng được đánh giá là người giàu trách nhiệm, được lòng mẹ chồng và cả họ hàng nhà chồng.
Bạn cần chắc chắn rằng chồng sắp cưới đã kết thúc mối quan hệ tình cảm với người yêu cũ. Nếu bạn không muốn hỏi chồng về điều này, hãy lặng lẽ điều tra. Việc tìm hiểu cảm xúc của anh ấy khi đến với bạn là điều quan trọng. Điều này giúp bạn nhìn rõ tình trạng mối quan hệ của cả hai và giúp bạn lường trước những vấn đề sẽ xảy đến khi mối tình của cả hai gặp trục trặc.
Nếu bạn vẫn giữ mối quan hệ tốt với người yêu cũ (trò chuyện thoải mái với tư cách là bạn bè) thì bạn có thể mời tình cũ đến dự đám cưới. Xét cho cùng, họ đã góp mặt trong quá khứ của bạn và tạo nên bạn của ngày hôm nay.