Tôi vô cùng nhớ bố mẹ nhưng cứ động đến vấn đề về quê thì chồng tôi lại cau có “suốt ngày về quê” rồi “sao không lấy chồng ở quê luôn cho xong” mặc dù chồng tôi có xe riêng, đi lại rất thuận tiện, công việc của chúng tôi cũng được nghỉ nhiều.
Tôi sinh ra trong một gia đình nề nếp ở nông thôn, cách Hà Nội 130 km. Bố mẹ tôi đã nuôi tôi khôn lớn và cho tôi học hành tử tế hơn 20 năm. Cho đến khi tôi có công việc ổn định, lấy chồng và sinh con thì bố mẹ vẫn luôn hỗ trợ tôi nhiều mặt, nhất là về kinh tế. Mặc dù nhà chồng cũng có điều kiện nhưng bố mẹ tôi nói rằng bố mẹ kiếm tiền cả đời cũng chỉ vì để cho các con, các cháu. Mỗi lần tôi nghe bố mẹ nói thế mà lòng xót xa, thương cuộc đời bố mẹ vất vả. Ngày hôm nay, khi mà cái Tết đang đến gần, tôi vô cùng nhớ nhà, nhớ bố mẹ và thấy mình là một đứa con bất hiếu.
Tôi đã lấy chồng được bốn năm nhưng số lần tôi về quê thăm bố mẹ tôi ngày càng giảm dần. Nguyên nhân rất đơn giản bởi vì chồng tôi không thích về quê. Chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ra nước ngoài du học 5 năm. Khi anh về nước thì chúng tôi biết nhau và anh theo đuổi tôi. Trong số tất cả những người theo đuổi tôi lúc bấy giờ, có lẽ anh là người hiền lành, thật thà nhất và rất coi trọng tình cảm gia đình. Bố mẹ tôi cũng là người hiền lành, sống tình cảm nên khá hài lòng về anh. Nhớ hồi yêu nhau, cứ mỗi lần tôi về thăm nhà, anh đều đưa tôi về rồi đón tôi lên. Nếu đúng vào dịp anh phải đi công tác thì tôi về một mình trước, sau đó anh lại về đón tôi. Nhà tôi có công việc gì anh cũng về cùng hỗ trợ, ai cũng hài lòng về anh và bảo số tôi sau này sướng.
Tất cả thay đổi kể từ khi chúng tôi lấy nhau. Sau khi cưới, mỗi lần tôi rủ anh về quê chơi thì anh đều lấy cớ để từ chối. Lúc đầu anh còn bảo bận công việc, về sau anh bảo thẳng là được nghỉ mấy ngày để ở nhà nghỉ ngơi, về làm gì cho mệt. Dần dần chỉ những dịp nghỉ nhiều như 30/4 hoặc 2/9 thì tôi mới bảo anh về nhưng anh giao hẹn chỉ về 1-2 ngày thôi. Nhà tôi có hai anh em đều lập nghiệp ở Hà Nội nên bố mẹ tôi rất mong con cháu về quê chơi với ông bà. Năm đầu lấy chồng, rủ chồng không về, tôi đành tự về thì bố mẹ tôi hỏi sao chồng không về. Lý do chồng bận việc lần nào cũng được mang ra để lấp liếm. Dần dần những người hàng xóm quanh nhà nhìn tôi thường về một mình cũng hỏi ra hỏi vào, rồi lại xì xào bàn tán vợ chồng tôi mới cưới đã có vấn đề. Bố mẹ tôi nghe nhiều cũng thấy buồn. Mỗi lần về nhìn thấy ánh mắt ái ngại, lo lắng của bố mẹ tôi mà lòng tôi cảm thấy chua xót.
Tôi cũng dần dần ít về một mình hơn, cố gắng vào những dịp lễ rủ chồng cùng về cho gia đình vui vẻ. Bố mẹ tôi nhớ con nhớ cháu, lâu không thấy tôi về thì lên chơi nhưng chồng tôi cứ xa cách, lạnh lùng. Bố mẹ tôi không kể lể bao giờ nhưng tôi biết trong sâu thẳm ông bà rất tủi thân. Cứ mỗi lần trước khi về, bố mẹ tôi đều ôm cháu khóc rất nhiều. Tôi đã tâm sự với chồng hy vọng một năm chỉ cần hai vợ chồng về thăm bố mẹ 3-4 lần thôi nhưng anh bảo với tôi về quê em rất chán, chả có gì chơi. Chúng tôi rất nhiều lần cãi vã nhau vì chuyện về hay không về.
Khi đọc bài báo “Đời này con còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần nữa” tôi đã khóc rất nhiều. Tôi vô cùng nhớ bố mẹ nhưng cứ động đến vấn đề về quê thì chồng tôi lại cau có “suốt ngày về quê” rồi “sao không lấy chồng ở quê luôn cho xong” mặc dù chồng tôi có xe riêng, đi lại rất thuận tiện, công việc của chúng tôi cũng được nghỉ nhiều. Mỗi lần như thế, tôi chỉ muốn hét vào mặt anh ta sao anh có thể sống vô tình như thế. Năm nay tôi mới về thăm nhà một lần, cái Tết đang đến gần, bố mẹ bên chồng tôi đã vào Nam ăn tết với anh chị, chỉ còn hai vợ chồng tôi ngoài này. Tôi rủ anh trước Tết về chơi hai ngày và sau Tết hai ngày nhưng anh gạt đi và bảo tôi về nhiều thế. Khi sang nhà anh trai tôi chơi, vô tình chị dâu rủ cô chú năm nay về quê ngoại ăn Tết một lèo luôn chứ? Chồng tôi sầm mặt xuống và gắt lên ngay tại chỗ: Cho vợ con em ăn Tết ở đó luôn, khỏi phải ăn Tết trên này. Anh chị tôi vô cùng bối rối về cách cư xử của chồng tôi.
Bố mẹ tôi có một thói quen là gần như ngày nào cũng nói chuyện qua điện thoại với tôi. Rất nhiều lần, bố mẹ tôi đều ngập ngừng hỏi “con sống có hạnh phúc không?”. Tôi không biết tôi có thực sự sống hạnh phúc như mọi người nhìn thấy bề ngoài nhưng tôi biết chắc rằng tôi sống “bất hiếu” với bố mẹ tôi. Bởi đến lúc này mà bố mẹ tôi vẫn luôn bận tâm, lo lắng không yên tâm về tôi. Mỗi lần đề cập đến việc về quê là không khí gia đình tôi lại nặng nề, nó như một cục nợ mà chồng tôi muốn trả một lần cho xong. Tôi không biết phải làm thế nào để chồng tôi về thăm bố mẹ tôi một cách vui vẻ và tự nguyện? Tôi không biết phải làm thế nào để một năm vợ chồng tôi cùng về thăm nhà được 3-4 lần để tôi có thể còn gặp được bố mẹ, và để bố mẹ tôi được hưởng trọn cảm giác gia đình sum vầy 120 lần nữa thôi (tương ứng với khoảng 4 tháng). Đây là nếu bố mẹ tôi còn sống thêm được 30 năm nữa.
- - - - - - -
Xem thêm:
bài liên quan
Nếu như trước đây, anh chị “gặp nhau” 4 lần mỗi tuần thì hiện là con số 0 tròn trĩnh.
Khi tiệc vừa tàn, nhà gái ra về, tôi còn chưa kịp thay áo cưới thì cả nhà chồng kéo lên phòng tân hôn đòi mang thùng tiền mừng về kiểm.
Mẹ chồng sẽ cắt đất cho chúng tôi nhưng chỉ chồng tôi đứng tên sổ đỏ, tôi không có tên và vợ chồng tôi phải viết giấy ghi rõ đã vay của mẹ chồng năm trăm triệu đồng dù không lấy tiền.
Dù chỉ là những việc bình thường như rửa chén, nhặt rau, lau dọn bàn ghế…, bạn cũng được đánh giá là người giàu trách nhiệm, được lòng mẹ chồng và cả họ hàng nhà chồng.
Bạn cần chắc chắn rằng chồng sắp cưới đã kết thúc mối quan hệ tình cảm với người yêu cũ. Nếu bạn không muốn hỏi chồng về điều này, hãy lặng lẽ điều tra. Việc tìm hiểu cảm xúc của anh ấy khi đến với bạn là điều quan trọng. Điều này giúp bạn nhìn rõ tình trạng mối quan hệ của cả hai và giúp bạn lường trước những vấn đề sẽ xảy đến khi mối tình của cả hai gặp trục trặc.
Nếu bạn vẫn giữ mối quan hệ tốt với người yêu cũ (trò chuyện thoải mái với tư cách là bạn bè) thì bạn có thể mời tình cũ đến dự đám cưới. Xét cho cùng, họ đã góp mặt trong quá khứ của bạn và tạo nên bạn của ngày hôm nay.